Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của GiuseArt.com, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "giuseart". (Ví dụ: thiệp tân linh mục giuseart). Tìm kiếm ngay
91 lượt xem

TỬ TẾ – TỂ TỨ || TRUYỆN TRÀO PHÚNG

TỬ TẾ – TỂ TỨ

Tác giả: Trần Minh Cường

 

Ở làng Đoạn Trường có ông Tư Gương – miệng luôn giảng đạo lý, tay luôn đặt lên ngực như tuyên thệ:
“Làm người là phải sống tử tế, đừng vì chút lợi mà mất nghĩa tình!”

Ông nói câu đó nhiều đến mức dân làng thuộc nằm lòng, trẻ con học đánh vần còn phải ê a: “Tử – T – Ư – Hỏi – Tử, Tế – T – Ê – Sắc – Tế” trước khi học “ba mẹ con gà”.

Không ai phủ nhận ông Tư tử tế… miệng. Hễ có người cãi nhau, mất gà, mất lòng, ông đều đến giảng hòa. Dân thương ông như… thương loa phát thanh bị rè: phiền, nhưng quen.

Làng có nhóm thiện nguyện “Tử Tế Liên Thôn”, ông Tư làm trưởng nhóm. Quyên góp gì ông cũng đứng đầu. Dù người khác góp tiền, ông vẫn góp… lời phát biểu dài ba trang giấy.

Mọi chuyện êm đềm cho tới khi có dự án mở rộng đường bê-tông. Nhà nước đền bù theo mét vuông. Dân ai cũng bị mất vài mét, riêng nhà ông Tư lại… được đền tới hai chục mét vuông, vì phần sân nhà ông lấn ra đường từ thời “cha truyền con lấn”.

Dân làng xì xào.

Bà Bảy Mắm, bán hàng ngoài chợ, đứng lên giữa buổi họp tổ:
“Ủa, ông Tư! Nhà ông xây lấn ra đường cả chục năm, giờ ăn đền bù mà còn bày đặt tử tế à?”

Ông Tư vẫn điềm đạm như thường lệ, khoát tay:
“Tôi sống đàng hoàng, không biết đất đó sai. Mà thôi, để giữ nghĩa tình, tôi xin trích 5% tiền đền bù làm từ thiện!”

Ông Năm Lụi, chuyên lo mấy công trình làng, trợn mắt:
“Ông nói không biết mà mỗi lần làm đường đều né nhà ông? Ai ngu?”

Cô Sáu Duyên, thành viên nhóm thiện nguyện, chen vào:
“Tử tế mà ôm trọn? Bộ ‘tử tế’ là ăn hết rồi ban phát lại mấy đồng lẻ?”

Chú Ba Còi, chuyên hóng chuyện, hí hửng đưa ra khái niệm mới:
“Phải chia đều, chia công bằng. Muốn sống tử tế thì phải tể ra tứ – tức là cắt làm bốn!”

Bà Bảy Mắm vỗ đùi cái đét:
“Chuẩn! Tể Tứ là tử tế đích thực! Còn ông Tư là ‘Tử Tế Tự Chế’ – nói hay làm kỳ!”

Dân làng nổi sóng. Một đơn thư tập thể gửi lên xã yêu cầu xem xét lại diện tích đền bù nhà ông Tư. Kết quả: ông bị buộc trả lại phần đất lấn chiếm. Tiền bồi thường chia lại cho các hộ bị méo đất vì phải uốn đường tránh nhà ông.

Buổi họp dân cuối cùng, ông Tư vẫn đứng lên như mọi khi. Nhưng lần này, giọng ông nghèn nghẹn:
“Tôi… tôi chỉ muốn sống tử tế…”

Bà Bảy Mắm chêm vào:
“Muốn tử tế thì học cách tể ra tứ. Chứ gom vô một chỗ rồi rao giảng là thành ‘Tể Tử’ – chết vì dao của mình đó ông ơi!”

Từ đó, dân làng có câu truyền miệng:

Tử tế không ở lời rao,
Mà nằm trong cách chia sao cho đều.
Nói hay mà hốt sạch nhiều,
Làm người tử tế… nửa chiều cũng phai.