BIA ÔM – ÔM BIA
Tác giả: Trần Minh Cường
Ông Nguyễn Văn Hiền, biệt danh Hiền “Đức”, là một hình mẫu “chuẩn mực” của xã hội hiện đại.
Là người viết sách dạy làm người, là giảng viên khách mời trên truyền hình, là đại sứ chiến dịch Sống Xanh, Sống Lành, là người phát động phong trào Đạo Đức Tận Cùng Ngõ Hẹp. Bất kỳ diễn đàn nào cần một giọng nói tử tế, một gương mặt trí thức, một câu nói truyền cảm hứng về nhân cách – ông đều có mặt.
– “Cái đẹp của con người nằm ở cách cư xử văn minh. Hãy tránh xa các tệ nạn xã hội, đặc biệt là các quán bia ôm – nơi tha hóa nhân phẩm!” – ông từng phát biểu như đinh đóng cột, được trích đăng trên bìa báo.
Nhưng có một điều không ai biết, đó là sau khi bước xuống sân khấu ánh đèn… ông lại bước vào ánh đèn mờ – nơi của những ly bia, tiếng cười khúc khích, và những bản hợp đồng “tự nhiên được ký”.
Ở đó, ông không phải Hiền “Đức”, mà là “Anh Tổng” – vị “tổng đài” liên kết các nhà đầu tư, các dự án giáo dục cộng đồng, và… dàn nhân viên PR gợi cảm.
Hợp đồng xây trường mẫu giáo ký trên đùi một cô “tiếp bia” tóc nhuộm tím.
Kế hoạch chống bạo lực học đường được duyệt sau một đêm “giao lưu” ở phòng karaoke tầng lửng.
Có lần, Ông còn làm hẳn bài thơ đọc giữa quán:
Bia trong ly lạnh thơm mùi gái,
Tay trong tay, hết thảy mệt mỏi bay!
Rồi một hôm, ông nhập viện. Nhanh như cách ông lách đạo đức.
Người ta nói ông bị suy gan, nhiễm trùng, rối loạn đa cơ quan.
Báo chí tiếc thương. Người hâm mộ ông làm lễ tưởng niệm. Sách của ông được tái bản lần thứ 10, bìa in thêm dòng chữ “Tưởng nhớ người gieo hạt thiện lành.”
Tang lễ tổ chức long trọng.
Nhưng rồi… một điều lạ xảy ra.
Từ sáng đến chiều, rất nhiều cô gái trẻ – đủ mọi phong cách từ sexy, bánh bèo đến sang chảnh – lần lượt tới viếng mộ ông.
Họ không khóc.
Họ đặt hoa.
Và… thì thầm:
– “Anh từng nói sẽ bỏ vợ…”
– “Anh bảo em là duy nhất…”
– “Chúng mình ký hợp đồng ‘yêu thật’ mà, nhớ không?”
Người nhà bối rối. Họ hàng chết lặng. Báo chí bắt đầu lặng im.
Hôm sau, có người dựng tạm tấm bảng bên bia đá ông:
“Khu vực đông người – vui lòng giữ trật tự. Không nhận hoa hồng từ người lạ.”
Chỉ vài ngày sau, người dân lân cận gọi mộ ông bằng cái tên mới:
“Chồng Bia Ôm.”
Bởi chẳng ai rõ bao nhiêu cô từng là “người thứ hai”, hay thứ bao nhiêu.
Có đứa nhỏ ngây thơ hỏi bà ngoại nó khi đi ngang nghĩa trang:
– “Sao ông đó được nhiều cô thương vậy?”
Bà chỉ lắc đầu:
– “Chắc tại… sống tử tế quá!”