Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của GiuseArt.com, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "giuseart". (Ví dụ: thiệp tân linh mục giuseart). Tìm kiếm ngay
27 lượt xem

CHẤT LƯỢNG – LƯỢNG CHẤT || TRUYỆN TRÀO PHÚNG

CHẤT LƯỢNG – LƯỢNG CHẤT
Tác giả: Trần Minh Cường
Ngày xửa ngày xưa, ở làng Thi Đua Có Thưởng, có một ông trưởng thôn tên là ông Bự Số. Sở dĩ gọi vậy vì ông mê… con số. Ông từng phát biểu trong đại hội thôn:
“Chúng ta không cần chất lượng – chúng ta cần… lượng chất! Sản phẩm mà ít thì có hay mấy cũng không ai thấy!”
Từ đó, mọi hoạt động trong làng đều phải có chỉ tiêu số lượng. Tập văn nghệ? Mỗi người 5 tiết mục. Viết báo tường? Ít nhất 10 bài – dở hay không tính. Làm phong trào? Cứ đông là vui, còn làm gì thì… tùy cảm hứng.
Một lần, ông Bự phát động cuộc thi: “Viết truyện dân giang – lan toả giá trị văn hoá!”
Điều lệ cuộc thi:
Mỗi người nộp ít nhất… 15 truyện.
Không quan trọng nội dung, miễn có chữ là được.
Có truyện nào dài quá 3 dòng sẽ được cộng điểm… “tâm huyết”.
Nghe xong, cả làng ùa nhau viết như… thi chạy Olympic. Có người nộp truyện kiểu:
“Ngày xửa ngày xưa, có anh kia tên Lười. Anh Lười lười đi cày. Hết truyện.”
(được tính là truyện… mang tính khái quát cao)
Có bà Tám viết truyện ba dòng nhưng gửi tận 30 bản giống hệt nhau, chỉ đổi tên nhân vật từ A đến Z.
Ông tổ trưởng thôn thì gom mấy câu status mạng xã hội, in ra rồi đề tên: “Tác phẩm dân gian cải biên”.
Kết quả cuộc thi?
Giải Nhất thuộc về chị Bảy – nộp 18 truyện, trong đó 12 truyện viết bằng tiếng… emoji.
Giải Nhì là cậu Tí – truyện ngắn nhất: “Sáng – ăn. Chiều – ngủ. Tối – chém gió.” (được đánh giá là phản ánh sâu sắc nhịp sống nông thôn thời 4.0)
Ai cũng vui. Ai cũng khoe có “tác phẩm để đời”. Trưởng thôn lên báo, tự hào nói:
“Chúng tôi vừa lập kỷ lục: 432 truyện dân gian trong vòng 1 tuần. Làng nào dám đọ?”
Một ông cụ râu bạc – người từng kể chuyện cổ tích cho mấy thế hệ – lắc đầu, thở dài:
“Hồi xưa, người ta kể 1 truyện cả đời vẫn nhớ. Giờ kể 100 truyện, nghe xong… chỉ nhớ là từng có nghe cái gì đó… mà không nhớ cái gì…”
Nhưng ông cụ không được mời đi phát biểu vì không có thành tích số lượng.
Từ đó, làng Thi Đua trở thành “mô hình mẫu” cho nhiều nơi học tập. Ai hỏi thì ông Bự Số luôn mỉm cười:
“Chất lượng ư? Để đó tính sau. Còn giờ ta cần… số trước. Có số thì mới có báo cáo!”