Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của GiuseArt.com, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "giuseart". (Ví dụ: thiệp tân linh mục giuseart). Tìm kiếm ngay
54 lượt xem

DANH VỌNG – VỌNG DANH || TRUYỆN TRÀO PHÚNG

DANH VỌNG – VỌNG DANH
Tác giả: Trần Minh Cường
Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc Bốc Phét Đại Vương, có một triều đình nức tiếng gần xa với khẩu hiệu treo trước cổng hoàng cung:
“Người có tài sẽ được trọng dụng, người có miệng sẽ được trọng đãi.”
Trong vương quốc Bốc Phét Đại Vương có hai nhân vật nổi danh:
Một là Quan Vịt, chuyên giả mù sa mưa, mưu mô như cáo, dẻo mỏ như vịt. Ông không học, không tài, nhưng chuyên gia… ngồi đúng chỗ, nghe cái tên là biết sau này có làm quan hay không thì đọc tiếp nhé!
Hai là Thầy Tu Râu Dài, người tu hành chân chính, giỏi văn chương, thông kinh sử, từng cứu đói cho dân làng bằng cách… bán thơ lót nồi cơm.
Một năm nọ, vua tổ chức cuộc thi “Tuyển Trạng Nguyên Bằng Lòng Mắt”. Tức là không xét chữ nghĩa, chỉ xét ấn tượng đầu tiên: ai nhìn vào thấy “ra dáng người thành danh” thì trúng tuyển.
Thầy Tu Râu Dài rửa mặt sạch sẽ, mặc áo rách vá nhưng gọn gàng, ôm sách vào kinh đô.
Còn Quan Vịt thuê cả đội thợ trang điểm hoàng cung, đi guốc cao sáu tấc, phấn trắng như bột mì, áo gấm mạ vàng, cổ đeo sáu vòng ngọc trai (giả).
Khi cả hai đến sân rồng, nhà vua vừa nhác thấy Quan Vịt liền hô lên:
“Thằng này! À nhầm, vị này… nhìn rất có khí chất học vấn! Mắt lim dim như đang ngẫm Kinh Thi, miệng cong như đọc thơ Đường, tóc rối như trải qua đêm viết sách. Cho làm Trạng Nguyên luôn!”
Còn thầy Tu vừa bước vào đã bị lính canh quát:
“Tên nhà quê kia! Vào đây làm gì? Không thấy anh kia là người có danh sao? Còn ngươi chỉ là kẻ vọng danh!”
Từ ngày làm Trạng Nguyên, Quan Vịt ngày nào cũng viết sách:
“Cách Trở Thành Nhân Tài Khi Không Có Tài”
“Làm Quan Nhờ Mặt: Bí Quyết Gặp Vua”
Và cuốn bán chạy nhất: “Giữ Gìn Danh Vọng Qua Lời Nịnh Ngọt”
Thầy Tu râu dài thì trở về làng, mở lớp dạy chữ miễn phí. Dân gọi ông là “Thầy Trạng Thiệt”, còn Quan Vịt được gọi bằng cái tên rất dài: “Trạng Nguyên Vịt Trời Tự Phong Phấn Sáp”
Nhiều năm sau, khi Quan Vịt và Thầy Tu qua đời.
Người ta khắc bia Quan Vịt:
“Ở đây yên nghỉ một người nổi danh bằng… vọng tưởng.”
Còn bia mộ của Thầy Tu khắc đơn giản:
“Ở đây nằm người vô danh, nhưng danh thơm mãi vọng.”
Giữa 2 cái bia người ta khắc 1 tấm bản gỗ với nội dung như sau:
Người có tài thường không màng danh,
Kẻ vọng danh lại thích gắn mác tài.
Danh không đi cùng đức – là danh rỗng,
Còn đức không cần danh – tự khắc vang.
Không lâu sau bản gỗ này bị mối ăn mất không còn tí ti gì.