Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của GiuseArt.com, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "giuseart". (Ví dụ: thiệp tân linh mục giuseart). Tìm kiếm ngay
62 lượt xem

GIÀU CÓ – GIÒ CÁO || TRUYỆN TRÀO PHÚNG

GIÀU CÓ – GIÒ CÁO
Tác giả: Trần Minh Cường
Lão Tám Giò – tên thật là Phạm Tám, nhưng thiên hạ quen gọi bằng cái biệt danh kỳ khôi ấy từ hồi lão còn là một tay buôn chuột chuyên nghiệp. Giờ đây, hắn là tỷ phú đô la với ba mươi bảy công ty, mười một biệt thự và hai trăm đôi giày da thật làm từ thứ da không ai dám hỏi tên. Nhưng dân làng ai cũng biết, để có được khối tài sản kếch xù như vậy, lão chỉ cần một thứ duy nhất: đôi giò cáo.
Tương truyền, lão Tám năm xưa chẳng có gì ngoài cái mồm dẻo quẹo và đôi chân nhẹ như sương khói. Lão đi không ai nghe tiếng, đến không ai biết đường. Hồi làm ăn buôn thúng bán mẹt, lão đã có tiếng là chân chạy mà đầu không nghỉ. Bán mớ rau thôi mà lời gấp năm. Bởi trong mớ rau đó, một nửa là lá chuối non, một nửa là rau héo, còn một phần tư là… cỏ gà. Vậy mà bà con xúm đông mua, vì lão đi như lướt, vừa đi vừa nói, miệng cười như Phật Di Lặc còn chân thì như… cáo.
Một ngày đẹp trời, lão Tám bắt đầu làm giàu nhờ một nghề nghe qua tưởng sạch sẽ: dọn sạch các dự án bị bỏ hoang. Nhưng dọn theo cách của lão là: mua rẻ, rao to, bán cắt cổ. Lúc chính quyền chưa kịp ký giấy, lão đã “đi nhẹ như cáo”, lẻn qua cửa sau, ký tay với tay ba tay tư, xong xuôi rồi thì thủng thẳng trở về báo cáo… đã làm xong. Ai cũng ngơ ngác. Dân thì tưởng lão làm phước, chính quyền thì tưởng có người bù vào ngân sách, còn lão thì ung dung cắn hạt hướng dương đếm tiền.
Đôi chân cáo ấy còn giúp lão luồn lách vào mọi giới: thương gia, chính trị, văn hóa, thậm chí có lúc suýt được trao… Huy chương Cống hiến vì đi quá nhẹ. Cũng phải thôi, làm bao nhiêu chuyện mà chẳng ai bắt được, chẳng ai thấy, chẳng ai nghe – vậy còn gì để cống hiến hơn thế?
Người ta kể, một lần lão Tám mở hội thảo “Chìa khóa thành công: bước nhẹ mà chắc”. Trên sân khấu, lão đứng trịnh trọng, mặc vest đen, cặp kính vàng và đôi giày da bóng loáng – đôi giày đặc biệt, làm từ da… cáo hoang vùng Bắc Cực, loại cáo chuyên sống giữa tuyết nhưng không để lại dấu vết. Lão rảo bước như múa, rồi hạ giọng:
– Thành công không đến từ sức mạnh, mà đến từ sự… nhẹ. Nhẹ như tôi. Nhẹ như… giò cáo!
Khán phòng vỗ tay như sấm. Còn mấy tay trẻ ngồi hàng đầu thì ghi chú lia lịa: “Phải học đi như cáo. Không để lại dấu chân. Không để lại chứng cứ.”
Cái giò cáo của lão không chỉ nhẹ, mà còn nhanh. Lão chộp cơ hội nhanh hơn điện giật. Thấy ai khởi nghiệp chưa biết gì, lão đến “hướng dẫn”, thực ra là dụ hùn vốn. Một thời gian sau, khi công ty chết đứng như Từ Hải, lão đã kịp rút sạch và… đi mất, nhẹ như hơi thở. Người ta chỉ còn thấy một tờ giấy ghi: “Cảm ơn đã hợp tác. Hẹn kiếp sau.” Ký tên: Tám Giò.
Nhưng lão Tám cũng có lúc suýt… hết giàu. Hồi đó, có tay thanh tra mới ra trường, hừng hực khí thế, quyết tâm bắt cho bằng được những kẻ “đi không để lại dấu”. Hắn theo dõi lão Tám ba tháng, chụp ảnh, quay phim, bám sát từng bước. Nhưng đến ngày định đưa hồ sơ ra công bố thì phát hiện… chẳng có cái ảnh nào rõ nét, chẳng đoạn video nào có tiếng. Tất cả chỉ có tiếng gió và những chiếc bóng. Tay thanh tra ngã bệnh, từ đó chỉ ngồi vẽ… cáo.
Giờ đây, lão Tám sống trong biệt phủ rộng 12 héc-ta, hàng ngày đi bộ trên thảm đỏ, giày vẫn là giày cáo, nhưng giò thì không còn nhẹ như xưa. Tuổi già kéo đến, đôi chân cáo ngày nào nay phải bọc thuốc xoa bóp. Nhưng không sao, vì lão bảo: “Giò cáo là biểu tượng. Giàu rồi thì đi đâu nữa, chỉ cần ngồi đó mà giò… vẫn có giá.”
Vậy đấy, chuyện về lão Tám Giò – đại gia giàu có nhờ đôi giò cáo – là bài học về sự nhẹ nhàng trong hành động, mưu mẹo trong tư duy và… sự biến mất trong trách nhiệm. Ở đời, có khi đi càng nhẹ, càng không để lại gì… lại càng dễ thành công.
Chỉ tiếc, đôi giò cáo ấy giờ được trưng bày trong bảo tàng, nơi ai cũng đến xem, chụp ảnh rồi cười:
“Giàu có – giò cáo. Cái giàu lắm lúc cũng khét như mùi lông cháy!”