KHI SỰ GIÚP ĐỠ TRỞ THÀNH TRÁCH NHIỆM
Trần Minh Cường
Trong cuộc sống, giúp đỡ nhau là nét đẹp nhân văn, là chất keo gắn kết con người. Nhưng đôi khi, người nhận sự giúp đỡ lại biến ân tình thành điều hiển nhiên, coi nó như nghĩa vụ bắt buộc của người khác. Đó là khi sự giúp đỡ bị biến thành trách nhiệm, mở đường cho thói vô ơn, ích kỷ nảy sinh.
Ban đầu, người giúp đỡ xuất phát từ thiện tâm, mong muốn sẻ chia, nâng đỡ người khác vượt khó. Nhưng nếu người được giúp không trân trọng, chỉ quen nhận mà không biết tự cố gắng, lâu dần họ coi sự hỗ trợ như điều hiển nhiên. Từ đó, khi người giúp đỡ không còn khả năng hoặc dừng lại vì lý do nào đó, kẻ vô ơn sẽ quay sang trách móc, oán hận, thậm chí “như con rắn độc quay lại cắn” chính ân nhân. Họ quên mất rằng lòng tốt không phải bổn phận, và không ai nợ ai sự giúp đỡ suốt đời.
Hậu quả của thái độ này là mối quan hệ bị phá vỡ, lòng tốt của người khác bị lợi dụng, còn người vô ơn thì tự đẩy mình vào cô lập. Thực tế, đã có không ít câu chuyện đau lòng khi con cháu được nuôi ăn học, đến lúc khó khăn không được chu cấp nữa lại quay sang bất hiếu, kiện tụng. Hay bạn bè giúp đỡ nhau, đến lúc không còn hỗ trợ được thì bị quay lưng, bôi nhọ.
Người xưa dạy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Được giúp đỡ, trước hết cần biết ơn và tự lực để không làm gánh nặng lâu dài. Người giúp đỡ cũng nên tỉnh táo, đặt ra giới hạn rõ ràng để không khiến lòng tốt của mình bị biến thành “nghĩa vụ”. Chỉ khi mỗi bên hiểu rõ vai trò của mình, sự giúp đỡ mới trở thành giá trị nhân ái bền vững, thay vì khởi nguồn cho bi kịch.