PHẤN ĐẤU – ĐẤU PHẤN
Tác giả: Trần Minh Cường
Chuyện trào phúng về bảng điểm lấp lánh và đầu óc rỗng tuếch
Ở một ngôi trường tiểu học mang cái tên rực rỡ Ánh Sáng Ngàn Sao, phong trào thi đua “Lớp học ngàn sao – Giáo viên siêu phấn” được phát động long trọng, không khác gì lễ trao giải Oscar ngành giáo dục.
Người khởi xướng là cô Tuyết Màu – hiệu trưởng kiêm chuyên gia “màu mè học đường”, nổi tiếng với phương châm quản lý sâu sắc:
“Dạy tốt là chưa đủ – phải trông cho sáng, cho sang, cho sến!”
Ngay lập tức, các lớp học được biến hóa thần tốc: bảng đen phủ decal 3D, tường lớp dán tranh mạng, mỗi góc học tập như một… studio sống ảo. Đèn led nhấp nháy, khẩu hiệu treo khắp nơi, còn học sinh thì được luyện nói như… máy phát thanh. Người người “phấn đấu”, nhà nhà “đấu phấn”. Không khí thi đua lên cao như… dây điện.
Giữa bức tranh lộng lẫy đó, thầy Minh – giáo viên Mỹ thuật – lại đi ngược dòng.
Lớp học của thầy không đèn màu, không trang trí lòe loẹt. Học trò vẽ rau muống, con gà, cái chổi, đôi dép rách… bằng bút chì và lòng thật. Tranh không đẹp nhưng sống động. Lớp không sáng nhưng ấm.
Cô Tuyết Màu không hài lòng.
– “Lớp thầy gì mà trống trơn như phòng… thẩm vấn? Không ngôi sao, không cầu vồng, không chút năng lượng tích cực à?”
– “Tôi dạy các em vẽ để hiểu – không phải để… qua mặt người xem.”
– “Trường ta là trường điểm! Mà điểm… là điểm hình ảnh! Thầy hiểu chưa?”
Thầy Minh bị nhắc nhở vì thiếu tinh thần hình thức hóa tích cực, kèm theo yêu cầu “bổ sung màu sắc cảm xúc vào lớp học”.
Ngày đoàn kiểm tra đến, cả trường như hóa sân khấu lớn:
Học sinh lớp Một đồng thanh đọc khẩu hiệu được dán sẵn (sai chính tả).
Giáo viên lớp Bốn mặc áo dài đính đèn led, giảng bài Toán trên nền nhạc EDM.
Bảng đen hóa bức tranh lập thể về “tri thức bay xa”, nhưng không ai hiểu là gì.
Bài kiểm tra được “chỉnh trang” từ trước, học sinh làm lại bản đẹp “cho tiện chấm”.
Riêng lớp thầy Minh – yên ắng. Học sinh đang vẽ chân dung nhau. Mỗi gương mặt đều méo mó dễ thương, nguệch ngoạc thật lòng.
Một cán bộ bước vào, nhíu mày:
– “Sao lớp này không có khẩu hiệu? Không có gì choáng ngợp?”
Thầy Minh chỉ tay lên dây treo tranh:
– “Đây là tranh các em tự vẽ. Không copy mạng. Không ai làm giùm. Cũng chẳng ai tô hộ.”
Không khí chững lại. Cô Tuyết Màu vội chen vào:
– “Lớp này… đang trong giai đoạn tự khám phá. Sẽ cập nhật hình ảnh sớm ạ!”
Cuộc thi kết thúc. Giải nhất thuộc về lớp có bảng led nhấp nháy như quán karaoke. Cô giáo chủ nhiệm được vinh danh nhờ “kết hợp hài hòa giữa ánh sáng định hướng và thẩm mỹ hiện đại”.
Một tháng sau, một bài báo nổ tung mạng xã hội địa phương:
“Lớp học không bảng led – nơi duy nhất học sinh biết viết thật, vẽ thật”
Tác giả là một phóng viên trẻ, từng quay lại trường sau khi nghi ngờ “lớp học ngàn sao” chỉ là sân khấu dàn dựng.
Dư luận dậy sóng.
Phụ huynh phẫn nộ:
– “Con tôi học thuộc khẩu hiệu, nhưng không biết chia 36 cho 6!”
– “Lớp thì đẹp mà con tôi nói bảng chỉ để… chụp hình!”
Phòng Giáo dục xuống kiểm tra đột xuất.
Kết quả:
Bảng led… không lên điện.
Dây trang trí… rụng.
Bài giảng… không có thật.
Một số giáo viên xin nghỉ “học nâng cao kỹ năng trang trí lớp học”.
Cô Tuyết Màu không còn làm hiệu trưởng. Nghe đâu đang theo học chuyên ngành Thiết kế nội thất học đường.
Còn thầy Minh – được mời xây dựng mô hình “Lớp học thực học” cho cả huyện.
Trong buổi chia sẻ kinh nghiệm, có người hỏi:
– “Động lực nào khiến thầy kiên định giữa thời đại… đèn led giáo dục?”
Thầy cười nhẹ:
– “Tôi không phấn đấu để được gì. Tôi chỉ không muốn đấu… bằng phấn.”
Xem thêm: