THẬT THÀ – THÀ THẬT
Tác giả: Trần Minh Cường
Làng Bèo có anh Hai Giản, nổi tiếng là người thật thà nhất vùng.
Ai gặp cũng khen:
– “Ờ, thằng Hai Giản nói câu nào là tin câu đó, cái mặt nó hiền như cục đất tổ mối!”
Mỗi lần ai mất đồ, Hai Giản đều nói ngay:
– “Tui hổng biết! Tui nghèo, ai mà nghi tui là tui buồn lắm!”
Và vì cái mặt “buồn lắm” đó, không ai dám nghi ngờ.
Nhưng dân làng không để ý rằng mỗi lần có ai bị mất đồ, Hai Giản đều có đồ mới, và luôn là cùng loại.
Bà Bảy mất chiếc rựa – hôm sau thấy Hai Giản chặt chuối bằng rựa “na ná”.
Ông Tám mất mấy cây tre – tuần sau nhà Hai Giản có giàn phơi mới.
Dân làng bắt đầu bán tín bán nghi. Nhưng rồi chính anh lại lên tiếng trước:
– “Tui sống thật thà, có gì nói đó. Tui nghèo, chứ không tham. Chứ ai mà làm chuyện sai, thà nói thật còn hơn giấu dối!”
Câu đó lan nhanh như lúa lép gặp gió mùa. Cả làng lại càng thương, càng tin.
Rồi có đợt xã cho mượn giống lúa mới. Mỗi hộ được ba bao.
Riêng Hai Giản được năm bao. Ai hỏi, ảnh nhún vai:
– “Chắc xã thương tui nghèo!”
Sau này mới biết, ảnh giả chữ ký hộ người ta, lấy phần xong mới báo “người ta không nhận nên xã giao lại cho tui”.
Khi sự việc lộ ra, ông trưởng thôn tới tận nhà hỏi:
– “Anh Hai! Anh ăn gian sao còn mở miệng nói thật thà?”
Hai Giản chắp tay trước ngực, ánh mắt rưng rưng như nước mắm lâu năm:
– “Tui sống ngay thẳng, chỉ làm điều cần thiết. Ở đời, có lúc phải giả thật thà để được yên thân, chứ nói thật có khi bị ghét. Thật thà thiệt, thiên hạ nói mình ngu!”
Ông trưởng thôn gật gù:
– “Vậy là anh chọn làm người thà thật, hơn là thật thà?”
Hai Giản gãi đầu, cười… rất hiền.
Sau vụ đó, dân làng có một câu cửa miệng mỗi khi thấy ai “mặt hiền mà tay lẹ”:
“Nhìn nó thật thà đó, nhưng tôi thà nó nói thật!”
Xem thêm: